Về Thiền Ca

Sư Cô Chân Quy Nghiêm

Thiền ca là một pháp môn mình tưởng là mới mẻ của Làng Mai, thực ra, đây là một truyền thống thiền được Làng Mai ứng dụng một cách sáng tạo và rộng rãi, để quần chúng đương thời, nhất là giới trẻ, có thể tiếp xúc dễ dàng với giáo pháp của Bụt, giúp cho mình ý thức hơn về ý nghĩa của đời sống và làm cho đời sống lành hơn, đẹp hơn, giàu sang hơn.

Trong đời sống thiền môn, quý Thầy Cô xướng tụng kinh kệ vừa thỉnh chuông, mõ, linh, tang,… bây giờ mình có thể hiểu đó là thiền ca, một hình thức thực tập giúp cho mình thấm nhuần những lời Bụt dạy, những lời kinh như những giọt nước cam lồ thánh thót rơi xuống đất tâm của mình, làm nẩy mầm những hạt giống tốt, tiếp tục tưới tẩm để hạt giống tốt lớn mạnh và đơm hoa kết trái, làm cho đời sống xinh tươi tốt đẹp hơn.

Khi con về Làng Mai Pháp quốc lần đầu tiên vào mùa hè 1987, con được nghe bài hát “Ý thức em mặt trời tỏ rạng” do chị ca sĩ Hà Thanh hát trong máy, con thực sự rất xúc động, như là mình đang ngủ mê mà được lay thức dậy. Bụt nói mình khổ vì mình không thấy đường, vì đường đời muôn vạn nẻo, nếu không may mắn được gặp Bụt đưa đường chỉ lối, mình rất dễ lầm lạc.

Cho nên một bài hát thiền như là một bài kinh, một ngón tay của Bụt để chỉ cho mình lối đi về bình an. “May thay trong cõi ta bà, đâu cũng có cánh tay đức Từ Bi cứu độ”. Nếu mình không tu tập để có được ý thức tỏ rạng như mặt trời, thì khó mà mình thấy được ngón tay chỉ đường của Bụt, và quyết tâm đi theo dấu chân của Ngài để vượt qua bờ tự do.

Cho nên một bài hát gọi là thiền ca thì lời và nhạc phải nhẹ nhàng, và quyện vào nhau như tâm ý của Bụt, phải có tác dụng đánh thức mình dậy, không còn ngủ mê nữa, không còn quằn quại trong sầu khổ nữa. Bài hát “Thở vào thở ra” là bài hát căn bản con rất thích hát bằng nhiều thứ tiếng để nhắc nhở mình thức dậy, để mình trở về chăm sóc thân tâm của mình, trước khi mình bắt đầu làm một việc gì, nói một điều gì. Có như vậy mình mới không gây lầm lỗi làm cho mình khổ đau và người khác khổ đau.

Cùng với bài hát mình thực tập thở vào thở ra có ý thức, làm cho thân tâm lắng dịu lại, tươi mát trở lại như hoa, vững chãi như núi, yên tĩnh như mặt hồ, và thênh thang như không gian, không còn một điều gì làm mình vướng bận. Người hát và người nghe hát phải thực sự sống với những gì mình đang hát, đang nghe, thì những hạt giống tốt trong mỗi người mới thực sự được tưới tẩm và lớn mạnh, và dâng hoa trái cho mình và cho mọi người.

Cho nên người hát thiền ca và người nghe hát rất quan trọng. Nếu người hát và người nghe hát không biết tu tập thì khó mà chuyển đạt và tiếp nhận được ý nghĩa của một bài thiền ca, và có thể làm mất hết tác dụng của bài thiền ca, dù bài thiền ca nhạc và lời có hay đến mấy. Cũng như pháp của Bụt dù rất thực tiễn và lợi lạc, và Bụt là một bậc giác ngộ tuyệt vời, mà không có một tăng thân tu tập cho đàng hoàng, cho vững chãi thì khó mà mình tiếp xúc được với chánh pháp, tiếp xúc được với Bụt. Cho nên mình mới hiểu vì sao vua Ba Tư Nặc nói với Bụt rằng: “Khi con nhìn tăng đoàn của Ngài, người nào cũng bình an vững chãi, niềm tin của con nơi Ngài thêm kiên cố”.

Cho nên một bài thiền ca đúng với ý nghĩa của nó phải chuyên chở được cả ba yếu tố: Bụt, Pháp, Tăng. Người hát thiền ca có tu tập vững chãi, có giọng hát và phong thái đầy chất thiền, đôi khi chỉ cần hát một bài hát thiền cũng có thể giúp cho người nghe phát tâm tu học, và muốn thực tập bài hát trong đời sống hằng ngày để chuyển hóa khổ đau, lấy lại được niềm vui sống, và có thêm tin yêu nơi chính mình, nơi cuộc đời.

Alt text